Các di tích nổi bật Hàng_Cót

Chỉ khi từ thập niên ba mươi, bốn mươi thì nhiều nhà to và kiểu đẹp mới bắt đầu được xây dựng trên phố Hàng Cót:

Đoạn phía Bắc từ vườn hoa Hàng Đậu đến cầu sắt Xe lửa cắt ngang có nhiều nhà lớn kiểu Villa được làm vào những năm sau 1930. Gồm các chủ nhà đất xuất thân từ quan lại (Hoàng Gia Luận ở số 2 và Gia đình Bùi Đình Tịnh số 14 - 16) hoặc công chức cao cấp (bác sĩ An ở số 4 và Trương Văn Thiện ở số 7), ngoài ra còn có số ít công chức sơ cấp cũng có nhà ở đây nhưng không lớn.

Đoạn phía Nam còn lại là dãy phố cũ lại ít người giàu nên nhà cửa xây từ xưa còn lại đều nhỏ hẹp và kiểu cổ, một vài ngôi nhà lớn ở đoạn này do người có tiền ở nơi khác đến đây tậu đất làm nhà như villa 3 tầng của bác sĩ Ngô Trực Tuân (số 24), nhà hộ sinh của bà đỡ Tiến (số 40) là một nhà hộ sinh lâu đời nhất ở Hà Nội, nhà Lê Quảng Long (số 50) là một tư sản có cửa hiệu may ở Tây Hàng Đường nhưng xây nhà ở đây để gia đình ở.

Di tích thờ tự cũ có đình Ngũ Giáp (số 54) ban đầu là đền thờ Thành Hoàng sau đó rước bài vị của thần Tiến về thờ, bên cạnh đình Ngũ Giáp có ngôi đền thờ Chư Vị gọi là đền Tam Phủ (số 52) thờ Thánh Thần, chùa Pháp Bảo Tạng (số 44, được xây trong những năm 1948 - 1954) để chứa những bản mộc in Kinh Phật, những ngôi đền và chùa này đến nay vẫn đang được bảo tồn. Còn một ngôi đình cũ nữa ở đầu Hàng Cót (số 4), bị hư hỏng nặng và bị phá bỏ vào năm 1920, rồi bán lại khu đất cho tư nhân xây nhà.

Ngoài ra có các số nhà do chủ là người Pháp xây nên để ở hoặc kinh doanh, như nhà cho thuê xe đám ma Louis Chức (số 13), hiệu thợ may Tây (Tân Hưng số 17), hiệu ảnh Rolleie photo (số 60), xưởng chữa máy nhỏ (Rozier số 2), và các trường tư thục (trường Trí Đức số 65, trường Nguyễn Văn Tòng số 46 - 48, trường Thăng Long số 9 - 11).

Năm 1935, người Pháp cho đặt đường xe điện (tuyến Kim Liên - Yên Phụ) đi qua Hàng Cót lên Hàng Than, nhưng đã bị dỡ bỏ để thay thế bằng loại phương tiên giao thông hiện đại khác.